Căng thẳng thương mại và chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ đã leo thang kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Forbes.com.
Ngày 17.8, bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ mở rộng các lệnh cấm đã công bố vào tháng Năm.
Cụ thể, đơn vị này cho thêm 38 công ty con trực thuộc Huawei tại 21 quốc gia vào danh sách đen kinh tế của Mỹ, nâng tổng số công ty liên qua Huawei lên 152.
Bộ trưởng Mike Pompeo cho biết lệnh cấm mới sẽ ngăn Huawei “lách luật Mỹ”, đồng thời bổ sung rằng Huawei đã “liên tục cố gắng vượt qua” những rào cản Mỹ dựng lên từ tháng Năm.
Sau nhiều năm đứng ở vị trí nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai trên thị trường thế giới, Huawei đã vươn lên chiếm vị trí đầu bảng từ tay Samsung vào tháng Sáu vừa qua, theo thông tin của công ty nghiên cứu Canalys.
Ngoài mảng sản xuất điện thoại, Huawei cũng có vai trò trọng yếu trong sản xuất các trang thiết bị kết nối dùng cho các doanh nghiệp viễn thông. Công ty này cũng đang hướng tới việc trở thành nhà sản xuất chính cho hệ thống 5G trên thế giới.
Tuy vậy chính phủ các nước Anh, Mỹ và Ấn Độ cùng nhiều quốc gia khác đã đưa ra lệnh cấm các thiết bị của gã khổng lồ Trung Quốc trong hệ thống 5G quốc gia.
“Ngày 20.5, chúng tôi đã ban hành lệnh cấm công nghệ Mỹ dùng cho các sản phẩm chíp thiết kế bởi Huawei. Điều này khiến họ sử dụng các biện pháp như nhờ cậy tới bên thứ ba,” Bộ trưởng bộ Thương mại Wilbur Ross nói với Fox Business, đồng thời nhấn mạnh luật mới đã nói rõ rằng việc sử dụng phần mềm hay thiết bị của Mỹ để sản xuất cho Huawei bắt buộc phải xin phép.
Tháng 6.2020, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã xác định Huawei đang là rủi ro cho an ninh quốc gia Mỹ vì có gắn bó mật thiết với chính quyền và quân đội Trung Quốc. Vì vậy, các công ty viễn thông Mỹ sẽ không được dùng số tiền trích xuất từ ngân sách hỗ trợ tổng trị giá 8,3 tỉ USD của FCC để mua sắm các thiết bị của Huawei.
Tháng 2.2020, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thống nhất thông qua luật cấm mua thiết bị viễn thông từ các doanh nghiệp Trung Quốc như Huawei, đồng thời lập nên quỹ 1 tỉ USD để hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước thay thế các thiết bị của Huawei. Luật này đã được tổng thống Trump ký vào tháng Ba.
Căng thẳng thương mại và chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ đã leo thang kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Chính quyền Mỹ hiện đang làm khó cho các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, bao gồm Tencent, ByteDance, ZTE. Tuần trước, ông Trump cũng đã ký lệnh yêu cầu ByteDance nhượng lại TikTok tại Mỹ trong vòng 90 ngày.
Đọc thêm>>>
Huawei giành thị phần số 1 giữa lúc thị trường smartphone quý II ảm đạm
Microsoft đang cân nhắc mua lại mảng kinh doanh của TikTok tại Mỹ
Chi tiêu cho IT của doanh nghiệp toàn cầu sẽ giảm 8% năm 2020
Samsung tại Việt Nam: Hành trình quán quân FDI
Vì sao điện thoại Made in Vietnam không bán chạy?