info@cnpt.vn
0236.3.770.888

Giá trị TSMC tăng vọt giữa lo ngại “bị kẹt” trong chuỗi cung sản xuất chip

Biến động trên đường đua sản xuất chíp diễn ra giữa bối cảnh dịch bệnh thúc đẩy nhu cầu thị trường, chuỗi cung ngành đang chịu rủi ro đứt gãy khi cả Mỹ và Trung Quốc đều đang mong muốn sở hữu riêng chuỗi sản xuất chíp hoàn thiện.

Cổ phiếu của Intel hôm thứ Hai, 24.7 bị thổi bay 16% sau khi các nhà đầu tư thất vọng vì công ty quyết định trì hoãn ra mắt thế hệ chíp mới.

Trước đó một tháng, trong cuộc họp với các nhà lập trình, Apple tuyên bố sẽ ngưng dùng chíp Intel cho các sản phẩm máy tính Mac và chuyển sang dùng chíp tự phát triển trên nền tảng của ARM.

Giá trị TSMC tăng vọt giữa lo ngại “bị kẹt” trong chuỗi cung sản xuất chip - ảnh 1

Ảnh: Getty Images.

Đây lại là tin vui cho TSMC – nhà sản xuất chíp theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Cổ phiếu doanh nghiệp Đài Loan đã tăng vọt 9,7% lên mức cao kỷ lục tại sàn chứng khoán New York trong ngày 24.7. Đưa giá trị vốn hoá TSMC lên 340 tỉ USD so với giá trị của Intel là 214 tỉ USD.

Xu hướng này tiếp tục trong phiên giao dịch ngày 27.7: Cổ phiếu TSMC tăng thêm 10%, biến nhà sản xuất chíp này thành công ty lớn thứ 10 thế giới với giá trị vốn hoá lên hơn 410 tỉ USD.

AMD, một đối thủ khác của Intel, cũng chứng kiến cổ phiếu tăng 16% lên mức kỷ lục trong cùng ngày 24.7 với giá trị vốn hoá đạt 1/3 giá trị Intel. “AMD hiện đang chiếm lấy thị phần từ tay Intel nhờ sức mạnh công nghệ đến từ việc bắt tay với TSMC,” Allan Patterson, chuyên viên tư vấn của công ty bán dẫn PUFsecurity nhận định.

Ngành sản xuất chíp đang đạt được những bước tiến mạnh mẽ. Trong tháng Sáu, doanh thu của TSMC đã tăng 40%, trong khi UMC cũng tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ xu hướng tăng cường sử dụng các ứng dụng trực tuyến cho giải trí, giáo dục và họp mặt doanh nghiệp trong mùa dịch của người tiêu dùng. Xu hướng này cũng thúc đẩy sự phát triển của thị trường điện toán đám mây, nơi các doanh nghiệp như TSMC cung cấp các thiết bị quan trọng.

Mặt khác, dịch bệnh lại là hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp sản xuất chíp, khi họ phải lần nữa đối mặt với những rủi ro đứt gãy chuỗi cung kể từ dịch SARS năm 2003.

Các doanh nghiệp Đài Loan vốn đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất chíp thế giới. Nhưng giữa bối cảnh dịch bệnh và căng thẳng chính trị leo thang, cả Trung Quốc và Mỹ đều đang mong muốn sở hữu chuỗi cung riêng biệt, khiến TSMC bị mắc kẹt giữa hai “gã khổng lồ”.

Chính phủ Mỹ bắt đầu nhận ra họ cần hồi sinh ngành sản xuất bán dẫn trong nước. Gần đây nhất, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thuận chỉnh sửa đạo luật Cấp phép Quốc phòng Quốc gia (NDAA), ra mắt Luật Nhà máy sản xuất chíp Mỹ và luật CHIPS nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành bán dẫn nội địa.

“Việc chỉnh sửa NDAA thể hiện sự sẵn sàng của lưỡng đảng trong việc bơm một nguồn vốn đáng kể vào lĩnh vực sản xuất chíp,” Willy Shih – giáo sư ngành Quản trị kinh doanh tại Havard nhận định

Một khi chính sách thúc đẩy ngành bán dẫn của Mỹ đi vào hiệu lực, TSMC sẽ là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng đầu tiên. Chính phủ tổng thống Trump gần đây đã tuyên bố TSMC sẽ xây dựng một nhà máy bán dẫn tại Mỹ. Một khi nhà máy đầu tiên được dịch chuyển, doanh nghiệp này rất có thể sẽ tiếp tục chuyển các phần khác của chuỗi cung sang xứ cờ hoa.

Mặt khác, Trung Quốc, cường quốc lớn thứ hai thế giới, đang sở hữu một chuỗi cung sản xuất các thiết bị công nghệ khá hoàn thiện. Tuy nhiên quốc gia này lại đang đi sau Mỹ 20-30 năm trên đường đua phát triển và sản xuất chíp, dù linh kiện nhỏ này đóng vai trò nền tảng trong các chuỗi cung sản phẩm điện tử.

Theo báo cáo của IC Insights, ngành sản xuất chíp tại Trung Quốc, tính cả lượng sản xuất của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đặt tại Trung Quốc, chỉ chiếm 15,7% thị trường chíp trị giá 125 tỉ USD năm 2019, tăng rất ít so với con số 15,1% ghi nhận 5 năm trước đó.

IC Insights đánh giá Trung Quốc sẽ không thể đạt tới ngưỡng tự chủ về sản xuất chip trong 10 năm tới, do đối diện với khó khăn ngày một lớn từ việc mua sắm thiết bị sản xuất chip hiện đại từ nước ngoài. Dự báo tỉ lệ này chỉ có thể tăng lên khoảng 20,7% vào năm 2024 với thị trường chíp Trung Quốc được định giá khoảng 208 tỉ USD.


Đọc thêm>>>

Hitachi và Microsoft liên minh thúc đẩy chuyển đổi số cho sản xuất và hậu cần

Trí thông minh nhân tạo chạm đến mọi ngõ ngách đời sống

Việt Nam trước cánh cửa phát triển 5G

Đại học Bách khoa TP.HCM hợp tác nghiên cứu sản xuất chip 5G của Viettel IBM và SAP hợp tác đổi mới quy trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Written by: cnptcorp

Leave a Reply